CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TẠI NHA TRANG BÂY GIỜ RA SAO

CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TẠI NHA TRANG BÂY GIỜ RA SAO

CÁC LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TẠI NHA TRANG BÂY GIỜ RA SAO

Dải đất Nam Trung Bộ trong đó có Nha Trang từng là nơi có rất nhiều làng nghề truyền thống, tuy nhiên do xã hội phát triển, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến nhiều nghề truyền thống bị mai một. Bước sang thiên niên kỷ mới, Nha Trang hiện đã sang giai đoạn phát triển chóng mặt với hàng loạt tòa nhà, khách sạn lớn được xây dựng, vậy còn các làng nghề truyền thống hiện giờ ra sao? Hãy cùng Quinter Central tìm hiểu qua bài trải nghiệm sau đây.

1. Làng nghề làm nước mắm

Địa chỉ: đường Võ Thị Sáu, Vĩnh Trường, Nha Trang

Nước mắm Ngọc Hà - một trong những cơ sở có tiếng tại Vĩnh Trường

Khu vực Cửa Bé, Vĩnh Trường từ lâu đã nổi tiếng là làng nghề nước mắm làm từ cá cơm lớn nhất tại Nha Trang. Tại đây, có các cơ sở sản xuất đã tạo dựng được thương hiệu có tiếng trên thị trường như nước mắm Ngọc Hà, Chín Tuy… Bên cạnh các cơ sở sản xuất lớn là các hộ gia đình nhỏ lẻ cũng tự ủ mắm, đóng chai và bày bán dọc 2 bên đường Võ Thị Sáu.

Nói là làng nghề nhưng thực tế khu vực này đã đô thị hóa, người mới đến sẽ không biết được đây là làng nghề nếu không được giới thiệu trước. Các cơ sở lớn cũng đã bỏ phương pháp ủ mắm bằng thùng gỗ, thay vào đó là các bể bê tông lớn có sức chứa lên đến hàng trăm tấn cá, giúp tăng sản lượng sản xuất lên nhiều lần. 7 phần cá cơm Nha Trang sẽ được ướp với 3 phần muối (thường là muối được lấy từ Cà Ná) là công thức được lưu truyền bao năm nay, chính chất lượng tươi ngon của cá cơm đã đem lại vị ngon đặc trưng cho nước mắm Nha Trang.

Tuy rằng không còn được thấy những thùng gỗ, những chượp làm mắm thật to như làng nghề truyền thống trước đây, bạn vẫn có thể tìm đến khu vực này để mua hải sản tươi ngon và nước mắm về làm quà.

2. Làng nghề dệt chiếu cói

Địa chỉ: đường Lương Định Của, Ngọc Hiệp, Nha Trang

Cần thời gian gần một ngày để có thể làm ra một cái chiếu 

Cũng giống như làng nghề nước mắm, theo xu hướng đô thị hóa các gia đình tại khu vực này cũng đều được xây dựng khang trang. Tuy nhiên, không còn nhiều gia đình còn giữ nghề dệt chiếu cói, chỉ còn một vài hộ duy trì chủ yếu để phục vụ cho các đoàn tham quan du lịch. Nếu không có sự gắn kết giữa du lịch và làng nghề có lẽ các nghề truyền thống đã không thể giữ được do các hộ dân không có nguồn thu nhập đảm bảo từ sản phẩm làm ra. 

Du khách sẽ hình dung ra cây cói nhìn như thế nào qua chậu cói nhỏ trước nhà

Khách du lịch tìm đến đây để biết được thế nào là cây cói, cách dệt một tấm chiếu với hoa văn ra sao, dệt thế nào để chiếu thoáng và mát… ngồi nghe chuyện của các cô, các dì để biết được sự vất vả của nghề làm chiếu. Du khách có thể mua các tấm chiếu nhỏ để thuận tiện mang đi, các tấm chiếu được phối màu hấp dẫn dùng để trải bàn ăn, lót ghế, hoặc để trang trí nhà cửa cũng rất lạ mắt.

3. Làng nghề làm bánh tráng

Địa điểm: Diên Khánh

Bánh tráng mè đen thơm béo, có cả dừa, tỏi và ớt

Làng nghề làm bánh tráng tại Diên Khánh rất dễ nhận biết nhờ các dàn bánh tráng phơi dọc hai bên đường. Du khách đến đây được tận mắt xem cách tráng bánh, phơi bánh, được người dân nướng bánh, pha nước chấm để thưởng thức. Phổ biến nhất là bánh tráng có mè đen, dừa, tỏi, ớt… tráng dày để nướng rất thơm và béo, hoặc loại bánh trắng mỏng dùng để cuốn rau sống.

Lò tráng bánh được đun bằng vỏ trấu

Bánh được phơi nắng 1 đến 2 tiếng để hoàn tất quy trình 

Có đến mới thấy được sự vất vả của người tráng bánh, giữa trưa nắng oi ả, các chị phải ngồi cạnh lò lửa được thiết kế đặc biệt với đường hầm giữ hơi dài đến 2 mét và cao đến 6 tấc, lò phải luôn giữ được lửa cháy hừng hực. Đối với người bình thường, có lẽ chỉ cần đứng gần lò khoảng mươi phút là sẽ không chịu được. Ấy thế mà người thợ cần mẫn tráng một trăm bánh như một, từ sáng đến tối muộn không biết mệt mỏi. Với cái nắng nóng ở đây, bánh sau khi tráng chỉ cần phơi một tiếng là đã có thể thu vào, xếp thành từng ràng để bán.

4. Làng nghề của người Chăm

Địa chỉ: Champa Island, Nha Trang


Đi thẳng vào Champa Island, bạn sẽ thấy khu làng nghề truyền thống 



Nghệ nhân làm nón say sưa với sản phẩm của mình

Nhằm lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người Chăm, khu du lịch Champa Island đã dành ra một không gian bên cạnh bờ sông Cái để tái tạo lại làng nghề. Trong gian nhà ngang tràn ngập gió sông, có chị đan túi lục bình, có cô dệt vải, đan nón, nặn đất sét… Các cô ở đây hầu hết là người Chăm ở Phan Rang, mang những nét đẹp của nghề truyền thống quê hương mình về giới thiệu tại đây.


Làng nghề nằm bên bờ sông Cái êm đềm



Các sản phẩm đẹp mắt từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân

Nổi bật nhất tại đây là khu làng nghề đất sét, không chỉ được nhìn các nghệ nhân tạo hình đất sét, bạn cũng được tận tay trải nghiệm cách tạo ra một sản phẩm. Bạn sẽ được hướng dẫn cách xoay, vuốt, tạo hình… sao cho từ miếng đất thô dần trở thành sản phẩm đẹp mắt. Đây chắc chắc là trải nghiệm cực kỳ thú vị bạn nên thử qua. 


Tự tay hoàn thiện một sản phẩm, tuy khó nhưng rất vui



Bạn có thể lưu giữ dấu ấn đặc biệt trên sản phẩm của mình

Làng nghề mở cửa miễn phí từ 9h sáng đến 6h chiều, du khách được tham quan thoải mái và chỉ mất tiền khi mua đồ lưu niệm tại làng nghề.

Có thể thấy, cách làm kết hợp trải nghiệm du lịch với làng nghề truyền thống là một trong những nỗ lực của địa phương nhằm lưu giữ nét đẹp văn hóa. Đây là cách giúp các hộ làm nghề có thêm nguồn thu nhập đảm bảo cuộc sống, tạo động lực cho họ gìn giữ nghề truyền thống.

Có thể bạn thích